Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Jul,01,2025 02:00:18

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch

Huế những ngày cuối tháng 5 Âm lịch nhuốm một màu sắc thật khác.

Nếu có dịp đến Huế những ngày tháng 5 Âm lịch nắng chói chang, đi qua những con phố nhuốm màu lịch sử của kinh đô cũ, bạn có thể bắt gặp những cây hương lặng lẽ sáng đèn cùng hương nghi ngút cháy bên vệ đường, nép sát cột điện hay thậm chí dưới gốc cây.

Đó không phải là cảnh tượng bày biện cho một dịp cúng giỗ lớn, càng không phải nơi thờ cúng ai cụ thể. Ở Huế, những cây hương ấy gọi là "am cô hồn" - một tập tục thờ có từ bao đời in hằn vào đời sống tâm linh của người dân xứ Thần Kinh - theo cách gọi của người dân nơi đây, ý muốn nói là Kinh đô của những điều Thần bí.

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Chuyện chỉ có ở Huế: Những cây hương rải rác khắp đất "Thần Kinh" và bí ẩn miếu Âm Hồn

Ở các đô thị hiện đại, chuyện bỗng dưng thấy một cây hương bên đường có thể khiến người ta tò mò hoặc... né tránh. Nhưng ở Huế, điều đó lại rất đỗi bình thường. Người Huế quen với cảnh "ra ngõ gặp am hương", như thể linh hồn và con người nơi đây chưa từng tách rời. Những bát hương đặt rải rác nơi góc chợ, gốc cây, cột đèn, thậm chí trên bờ tường mang một tinh thần rất Huế: Kính cẩn, trầm mặc và đầy thấu cảm với cõi vô hình.

Không ai dạy, không ai nhắc, người Huế truyền nhau thói quen đốt nén hương cho những linh hồn không tên, không tuổi gọi là "cô hồn vất vưởng". Lúc là cụ già đi chợ sớm, thấy bát hương bên đường thì dừng lại khấn một câu. Khi là cô gái trẻ đi ngang ngã ba vắng, thắp nén nhang rồi lặng lẽ bước đi. Không ai cầu xin gì, chỉ là một niệm tưởng, một lòng thành: "Cho người khuất một nén hương, người sống được bình an".

Vì sao Huế lại nhiều bát hương đến vậy?

Câu trả lời nằm trong chính lịch sử của mảnh đất này. Là kinh đô cũ, Huế từng chứng kiến biết bao biến thiên của lịch sử: Chiến tranh, loạn lạc, binh đao, những cuộc đấu tranh giành lại đất nước từ triều Nguyễn đến thời cận đại. Đặc biệt là biến cố Thất thủ Kinh đô ngày 23/5 năm Ất Dậu (1885) - một dấu mốc đau thương mà đến nay vẫn còn in dấu trong tâm thức người Huế.

Đến Huế dù chỉ một lần, bạn sẽ thấy bất cứ người dân bản địa nào nơi đây cũng cất giấu trong mình những câu chuyện lịch sử. Từ anh chở xích lô đến chú tài xế xe công nghệ, từ cô bán bún bò đến chị bán sữa chua giải khát ven Đại nội,... mỗi khi trò chuyện với họ về Huế, bạn sẽ thấy rằng trong tâm thức người dân, quá khứ và lịch sử chưa bao giờ chìm vào dĩ vãng mà nó đồng hành cùng người dân mỗi giây, mỗi phút ở thời hiện tại.

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Bạn có thể đến Huế bất kể thời điểm nào trong năm, mỗi mùa đều có nét đẹp riêng của xứ sở lăng tẩm thâm trầm. Vì một nhân duyên nào đó, chúng tôi đến Huế vào những ngày cuối tháng 5 Âm lịch, dù trước đó không phải ai cũng biết về thời điểm đặc biệt này trong năm đối với người dân nơi đây.

Suốt chặng đường thăm thú các điểm du lịch của Huế, theo lời chia sẻ của anh hướng dẫn viên, chúng tôi dần dần được chạm vào những điều rất Huế, rất tâm linh và rất bản địa. Ngay cả đến Huế nhiều lần, tôi cũng chưa có dịp chạm vào những điều chân thực và đau thương đến thế.

Ở Huế, có một điều "bất di bất dịch" rằng nếu muốn đi chơi muộn, hãy đến bờ Nam sông Hương. Còn từ sau 4 giờ chiều, bờ Bắc sông Hương đã nhuốm màu lặng lẽ. Dù trong trung tâm hay ngoài rìa bờ Bắc, đi đến đâu bạn cũng có thể thấy những cây hương trước cửa nhà, khi thì cạnh cổng, khi thì e ấp sau cây lớn.

Người Huế yêu mảnh đất máu thịt của mình và họ đau nỗi đau chung của vùng đất ấy. Nói đến những cây hương rải rác khắp thành phố, có lẽ chúng ta cần ngược về thời gian xưa kia một chút.

Biến cố thất thủ Kinh đô Huế (23/5 Âm lịch năm Ất Dậu, tức ngày 5/7/1885) là một trong những sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng và bi thương trong giai đoạn cuối triều Nguyễn. Đây là đêm quân Pháp tấn công thẳng vào Kinh thành Huế, thủ phủ của triều đình nhà Nguyễn, buộc vua Hàm Nghi phải chạy vào rừng và phát động phong trào Cần Vương kêu gọi toàn dân phò vua cứu nước.

Từ giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp từng bước xâm lược Việt Nam. Sau khi chiếm Nam Kỳ lục tỉnh, Pháp tiếp tục gây sức ép lên triều đình nhà Nguyễn. Dù đã ký các hiệp ước như Hòa ước Giáp Tuất (1874), nhưng tình hình càng ngày càng căng thẳng.

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Năm 1884, khi vua Tự Đức băng hà, triều đình Huế rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Trong vòng bốn tháng mà ba vị vua kế vị, nội bộ triều đình rối ren. Lợi dụng tình thế đó, thực dân Pháp ngang nhiên đưa ra tối hậu thư: Đòi triều Nguyễn phải nộp khoản "phí triều cống" trong vòng ba ngày, cho phép quân Pháp vào Đại Nội bằng cửa Ngọ Môn - lối đi thiêng liêng chỉ dành riêng cho Hoàng đế và yêu cầu vua phải bước xuống ngai vàng để nghênh tiếp. Đó không chỉ là sự khiêu khích, mà còn là sự sỉ nhục trắng trợn đối với quốc thể. Pháp và triều đình ký kết Hòa ước Patenôtre (Hòa ước Giáp Thân), thừa nhận sự bảo hộ của Pháp tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ, biến Việt Nam về danh nghĩa thành thuộc địa của Pháp. Tuy nhiên, trong triều đình Nguyễn, vẫn còn một lực lượng lớn do Tôn Thất Thuyết đứng đầu quyết tâm phản kháng Pháp.

Tôn Thất Thuyết khi ấy giữ chức Thượng thư Bộ Binh kiêm Tổng Thống Quân vụ, là người có ảnh hưởng lớn và đứng đầu phe chủ chiến trong triều. Ông âm thầm tổ chức lực lượng, chuẩn bị kháng chiến, xây dựng các căn cứ ở Tân Sở (Quảng Trị), sẵn sàng cho một cuộc nổi dậy lớn nhằm giành lại quyền tự chủ cho đất nước.

Đêm 23 tháng 5 năm Ất Dậu (5/7/1885), Tôn Thất Thuyết chủ động mở cuộc tấn công vào đồn Mang Cá, nơi đồn trú chính của quân Pháp tại Huế. Tuy nhiên, do lực lượng yếu hơn và chiến thuật chưa chặt chẽ, cuộc tập kích không thành công.

Ngược lại, quân Pháp lập tức phản công dữ dội. Tướng Pháp De Courcy ra lệnh bắn phá dữ dội vào Kinh thành Huế, từ phía cửa Thượng Tứ, cửa Chính Đông, gây hỏa hoạn lớn. Nhiều khu vực trong thành bị thiêu rụi, quân triều đình hoảng loạn, tan vỡ. Trong tình thế bị động và tuyệt vọng, Tôn Thất Thuyết quyết định đưa vua Hàm Nghi khi ấy mới 13 tuổi rút khỏi kinh thành, theo đường núi vào vùng sơn lâm Tân Sở (nay thuộc huyện Cam Lộ, Quảng Trị), nơi đã chuẩn bị căn cứ từ trước.

Ngay trong ngày định mệnh ấy, Huế hóa thành chiến địa. Khói lửa bốc cao nghi ngút, tiếng la hét và tiếng súng nổ vang dội cả kinh thành. Quân triều đình cố thủ, nhưng đến 9 giờ sáng ngày 23 tháng 5, Hoàng Thành chính thức thất thủ. Quân Pháp tiến vào, tàn sát không phân biệt. Gặp ai giết nấy. Không tha bất kỳ ai từ cụ già, trẻ thơ, đàn ông, đàn bà, mọi sinh linh đều trở thành nạn nhân của cuộc đổ máu.

Bên trong Hoàng Thành, dân chúng hoảng loạn giẫm đạp lên nhau để tìm đường thoát thân. Có người ngã xuống ao, có người bị đẩy ngã từ tường thành. Mọi thứ chìm trong biển lửa. Quân Pháp đục phá tất cả các công sở, viện bộ, đốt sạch mọi dấu tích của triều đình. Người dân hoảng loạn bỏ chạy tán loạn trong nỗi kinh hoàng tột độ. Khắp các con đường, xác người nằm la liệt, chất chồng như minh chứng đau đớn cho một cuộc tàn sát khốc liệt chưa từng thấy.

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Khoảng 9300 binh lính và thường dân bị thương vong trong sự kiện ấy. Xác nằm rải rác trong kinh thành, trôi trên sông giữa cái nắng gay gắt tháng 5 Âm lịch tạo ra dịch bệnh tràn lan, số người chết vì dịch bệnh còn nhiều hơn cả vì bom đạn.

Huế hôm ấy không còn là một cố đô uy nghiêm, mà là một địa ngục trần gian. Người dân kinh hoàng, đau đớn chứng kiến khoảnh khắc đất nước rơi trọn vào tay kẻ xâm lược. Đó là ngày lịch sử khắc sâu nỗi nhục mất nước, một chương bi tráng và thê lương trong sử sách dân tộc. Sự kiện này về sau được gọi là "Thất thủ Kinh đô Huế" - một vết thương lớn trong lòng dân tộc.

Vài tuần sau, từ căn cứ Tân Sở, ngày 13/7/1885, vua Hàm Nghi ra Chiếu Cần Vương, kêu gọi các sĩ phu, văn thân, nhân dân đứng lên kháng chiến. Phong trào Cần Vương nhanh chóng lan rộng từ Bắc chí Nam, trở thành một làn sóng yêu nước mạnh mẽ kéo dài suốt hàng chục năm. Tuy nhiên, sau nhiều thất bại, vua Hàm Nghi bị bắt năm 1888 và bị lưu đày sang Algerie. Dù phong trào Cần Vương cuối cùng cũng bị dập tắt, nhưng nó đã góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, nuôi dưỡng lực lượng cách mạng trong thế kỷ XX.

Không ai biết hết những người đã khuất trong biến cố ấy. Cũng không có đủ nơi để chôn cất đàng hoàng. Người dân Huế, từ đó, tự mình lập nên những bát hương ven đường, để tưởng niệm những vong hồn không tên, không ai thờ cúng và tập tục ấy duy trì suốt hơn một thế kỷ.

Miếu Âm Hồn - nơi "cư ngụ" của những linh hồn vất vưởng

Trong vô vàn bát hương không tên rải rác khắp Huế, có một nơi được xem như "ngôi nhà chung" của những cô hồn tử nạn năm 1885: Miếu Âm Hồn.

Miếu tọa lạc ở ngã tư đuờng Mai Thúc Loan - Lê Thánh Tôn - phường Thuận Lộc - quận Phú Xuân - thành phố Huế vốn là vị trí trung tâm của biến cố năm xưa. Dù được gọi là miếu, nơi đây thực chất là một kiến trúc nhỏ, khiêm nhường, chỉ rộng chừng vài chục mét vuông, tường vôi vàng, mái ngói âm dương rêu phong. Nhưng mỗi năm, cứ đến ngày 23/5 Âm lịch, cả một khu phố bỗng rực sáng trong khói hương và lễ cúng gọi là lễ cúng Âm Hồn.

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Người Huế vẫn gọi lễ này là "Tết của người chết". Không chỉ có mâm cỗ, trầu cau, gạo muối, mà còn cả xôi chè, bánh trái, nước trà và hoa tươi. Lễ cúng không dành cho một người cụ thể nào, mà dâng cho tất cả những linh hồn tử nạn trong biến cố năm xưa không phân biệt già trẻ, sang hèn. Có lẽ trên khắp Việt Nam, hiếm có nơi nào có ngày lễ cúng hằng năm chỉ dành cho những người không ai biết tên như vậy.

Nếu như văn hóa dân gian vẫn biết đến tháng 7 Âm lịch là tháng cô hồn thì ở Huế, những ngày cuối của tháng 5 Âm lịch mới thực sự là thời điểm cúng cô hồn. Hạ tuần tháng 5 Âm lịch, từ 23 trở đi đến ngày cuối tháng, họ đều hương khói nghi ngút để tưởng nhớ, để cầu siêu thoát cho những linh hồn khổ nạn khi xưa.

Họ chuẩn bị mâm lễ, họ đốt củi, họ chuẩn bị nhiều quần áo để những cô hồn chết oan khi xưa khao khát hơi ấm, quằn quại trong đói khát được một chút ấm áp và siêu thoát đến cõi vô hình.

Nhiều người cho rằng, lễ cúng cô hồn là mê tín. Nhưng ở Huế, nó mang một sắc thái khác. Đó là lòng tri ân với quá khứ, là lời nhắc rằng máu đã đổ để đất nước còn tồn tại, và rằng linh hồn người đã khuất dẫu vô danh vẫn cần được an ủi.

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Ở một nơi như Huế, nén hương không chỉ là tín ngưỡng, mà là biểu hiện của lòng người. Một nén hương cho người không quen, là một lời động viên, một lời an ủi cho những linh hồn côi cút ra đi tức tưởi trong chiến tranh loạn lạc.

Đã có lúc Miếu Âm Hồn bị bỏ quên. Có giai đoạn dài sau chiến tranh, lễ cúng không được tổ chức công khai. Căn miếu nhỏ xiêu vẹo, thậm chí suýt bị dỡ bỏ. Nhưng nhờ nỗ lực của người dân địa phương, của những người yêu văn hóa Huế, miếu đã được bảo tồn, trùng tu và trở thành một phần trong dòng chảy ký ức cộng đồng.

Nay, mỗi dịp 23/5 Âm lịch miếu Âm Hồn lại nghi ngút khói hương. Người dân tụ họp, vừa dâng hương vừa kể lại câu chuyện xưa cho con cháu. Nhiều bạn trẻ đến chụp ảnh, nghe kể chuyện, có cả đoàn du lịch ghé thăm. Những cây hương trên đường phố cũng được quét dọn sạch sẽ.

Từ chỗ chỉ là tưởng nhớ, miếu Âm Hồn đã trở thành nơi gìn giữ văn hóa, truyền thống và sự nhân văn rất Huế, nơi người sống gặp lại ký ức, và người khuất không còn bị quên lãng.

Ở Huế, nỗi đau quá khứ thấm vào cả một vùng đất viết nên lịch sử hiện đại

Huế là vậy. Không ồn ào, không khoa trương. Nhưng mỗi cái nhìn, mỗi câu chuyện, mỗi nén hương đều mang một tầng ý nghĩa sâu xa. Trong khi nơi khác phát triển du lịch bằng lễ hội, ẩm thực, danh thắng, thì Huế chậm rãi níu chân du khách bằng những chuyện đời thường mà thấm đẫm chiều sâu văn hóa như miếu Âm Hồn hay cây hương bên lề đường. Sự thâm trầm của lăng tẩm, sự rêu phong của một thời đại đủ để mỗi du khách đến với Huế luôn cảm nhận được một điều gì đó man mác.

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Nguồn: Chi Đó Rất Huế

Người ta thường nói, Huế thâm trầm, và những ngày mưa ở Huế khiến người ta thấy buồn. Màu trời khi ấy cũng khiến người ta như thể "xuyên không" về những năm tháng xưa của cuộc sống cung đình. Chuyện cũ ở Huế không chết. Nó ẩn mình trong làn khói hương, trong chiếc bàn thờ nhỏ trên ngõ, trong sự trân trọng của những con người lặng lẽ. Không chỉ là những cây hương rải rắc khắp kinh thành Huế hay miếu Âm Hồn, chùa Ba Đồn cũng là nơi chôn cất những nấm mồ xấu số tử nạn trong trận thất thủ ngày ấy. Những địa điểm này được không ít các Tiktoker bản địa xứ Huế đăng tải trên mạng xã hội giúp du khách, người dân khắp cả nước hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của Kinh đô Thần bí.

Dù bạn là ai, đến từ đâu, nếu có dịp ghé Huế vào ngày 23/5 Âm lịch, hãy thử đến miếu Âm Hồn, thắp một nén hương và đứng lặng một chút. Không cần cầu xin điều gì, chỉ cần khẽ nói trong lòng: "Xin những người đã khuất siêu thoát về cõi an lạc". Biết đâu, bạn sẽ cảm được một phần linh khí của Huế, nơi người sống và người khuất vẫn cùng nhau sống tiếp trong một thế giới đầy lòng nhân ái.

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh

Nguồn: Trang Thương Huế

Ký ức về "đêm Huế cháy rực trời" ấy vẫn còn in sâu trong lịch sử dân tộc như một lời nhắc nhở rằng: Tổ quốc chỉ thật sự vững vàng khi người dân cùng chung khát vọng và lịch sử chỉ sang trang khi có người dám viết tiếp bằng máu, nước mắt và lòng kiên trung.

Và Huế, những lăng tẩm sừng sững dưới mưa nắng thời gian hay những cây hương bên bờ Bắc sông Hương,... đều khắc sâu trong lòng những người con xứ lạ như chúng tôi một nét văn hóa trầm buồn. Đến Huế để thấy rằng, mảnh đất thấm đẫm lịch sử và từ những điều nhỏ bé nhất cũng đã hình thành nên nét đẹp của mảnh đất Thần Kinh thiêng liêng này.

Theo Tú Linh

By: Nguồn cafebiz.vn

Câu chuyện bí ẩn ít người biết về tục cúng âm hồn cả tuần vào tháng 5 Âm lịch ở xứ Thần Kinh - TIN TỨC