Cuộc đua giao hàng nhanh ở Mỹ đang chậm lại
Thay vì háo hức nhận hàng giao trong ngày hoặc ngày hôm sau, người mua hàng trực tuyến ở Mỹ giờ đây kiên nhẫn chờ đợi trong nhiều ngày. Điều này một phần là do họ muốn tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, họ cũng không còn lo ngại tình trạng khan hiếm hàng như trong thời kỳ dịch bệnh.
Tập đoàn thương mại điện tử Amazon giao hàng miễn phí trong vòng 2 ngày dành cho người dùng đăng ký sử dụng gói thành viên cao cấp Prime. Ảnh: Future Tech
Julia Belkin, nhà tiếp thị nội dung, 28 tuổi ở Brookline, bang Massachusetts, mua sắm trực tuyến rất nhiều, đặt hàng từ miếng bọt biển rửa chén dĩa cho đến quần áo tập thể dục. Nhưng cô không chọn phương án giao hàng nhanh.
Belkin thường xuyên đặt mua các mặt hàng giảm giá sâu trên trang thương mại điện tử Temu của PDD Holdings (Trung Quốc) và thời hạn giao hàng có thể lên tới ba tuần.
“Nếu đặt mua món hàng đồ trang trí nhà cửa hay đồ gia dụng, tôi sẽ kiên nhẫn đợi. Thật là thú vị khi bạn không biết chính xác khi nào gói hàng sẽ đến”.
Sự kiên nhẫn đó phản ánh xu hướng rộng rãi hiện nay khi nhiều người mua hàng trực tuyến bắt đầu quay lưng với dịch vụ hàng khẩn cấp vốn thúc đẩy cuộc chạy đua giữa các nhà bán lẻ trực tuyến và nhà vận chuyển bưu kiện để giao hàng chỉ trong một ngày, trong vòng một giờ, thậm chí nhanh hơn. Các ứng dụng giao hàng bao gồm Instacart đã triển khai dịch vụ giao hàng chỉ trong 15 phút, dành cho các đơn hàng thực phẩm và dược phẩm.
Cuộc cạnh tranh giao hàng nhanh tăng tốc ngay từ đầu đại dịch Covid-19, khi các hộ gia đình bị phong tỏa đặt hàng trực tuyến mọi loại hàng hóa, kích hoạt cơn bùng nổ thương mại điện tử. Khi đó, một loạt dịch vụ giao hàng nhanh trỗi dậy, bao gồm cả công nghệ như giao hàng bằng máy bay không người lái. Giờ đây, nhiều người tiêu dùng Mỹ kiên nhẫn chờ đợi trong nhiều ngày để nhận hàng theo dịch vụ giao thông thường, thay vì tốn chi phí cao hơn để có ngay các mặt gia dụng thiết yếu trong vài giờ.
Năm 2005, Tập đoàn thương mại điện tử Amazon giúp thiết lập tiêu chuẩn giao hàng nhanh sau khi triển khai dịch vụ giao hàng miễn phí trong vòng 2 ngày dành cho người dùng đăng ký sử dụng gói thành viên cao cấp Prime. Mức phí của gói thành viên này hiện nay là 193 đô la Mỹ mỗi năm. Kể từ đó, Amazon đẩy nhanh tốc độ hơn nữa, bao gồm giao hàng trong ngày cho một số mặt hàng.
Các nhà bán lẻ khác buộc phải chạy theo để duy trì sức cạnh tranh. Gần đây, chuỗi siêu thị Target cho biết đang đầu tư 100 triệu đô la để mở rộng mạng lưới giao hàng vào ngày hôm sau. Chuỗi bán lẻ Sam’s Club, thuộc sở hữu của tập đoàn bán lẻ Walmart, đang bổ sung các trung tâm hoàn thiện đơn hàng để tăng tốc độ giao hàng cho nhiều khách hàng hơn.
Các hãng giao nhận như FedEx và United Parcel Service (UPS) cũng đã triển khai các tùy chọn vận chuyển nhanh bao gồm giao vào ngày Chủ nhật và giao trong ngày. Tuy nhiên, mùa hè năm ngoái, FedEx thu hẹp mạng lưới giao hàng ngày Chủ nhật, với lý do lượng đơn hàng suy yếu.
Trong một cuộc khảo sát gần đây, do nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển thương mại điện tử Shippo thực hiện, chỉ có 10% người được hỏi cho biết họ thích giao hàng trong ngày hoặc ngày hôm sau, giảm so với 18% cách đây một năm.
Theo Laura Behrens Wu, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Shippo, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu sản phẩm trong đại dịch khiến người tiêu dùng muốn nhận hàng nhanh nhất có thể. Nhưng giờ đây, bà cho biết người mua sắm trực tuyến không còn mong đợi giao hàng vào ngày hôm sau nữa.
“Mọi người có xu hướng sẵn sàng chờ nhận hàng từ 2-3 ngày thậm chí từ 5-7 ngày”, bà nói.
ShipStation, nhà cung cấp phần mềm giao hàng thương mại điện tử, ghi nhận ngày càng ít người tiêu dùng xem tốc độ giao hàng là yếu tố quan trọng nhất trong mua sắm trực tuyến. Cuộc khảo sát mới đây do công ty này thực hiện cho thấy 41% được hỏi nói rằng chi phí vận chuyển là một quan tâm hàng đầu của họ, tăng từ 33% vào năm 2022.
Mối quan tâm tốc độ giao hàng giảm dần khi cơn bùng nổ mua sắm trực tuyến lắng xuống. Thị phần của thương mại điện tử trong tổng doanh số bán lẻ của Mỹ tăng từ 11,9% trong quí 1-2022 lên 16,4% trong quí tiếp theo của năm đó. Đến quí 4-2022, tỷ lệ này giảm xuống còn 14,7%.
Satish Jindel, Chủ tịch của ShipMatrix, hãng phân tích dữ liệu vận chuyển hàng, cho biết nhiều người tiêu dùng đăng ký dịch vụ giao hàng nhanh vì họ muốn biết chắc gói hàng sẽ đến thay vì quan tâm đến việc nó đến nhanh như thế nào.
Ông nói: “Các nhà bán lẻ cần phải biết rằng khách hàng không cần tốc độ, mà cần sự chắc chắn”.
Agood.com, công ty thương mại của Thụy Điển, chuyên bán các mặt hàng từ sổ tay cho đến bàn chải đánh răng, đã cung cấp cho khách hàng dịch vụ giao hàng chậm với phí giao rẻ hơn. 3/4 khách hàng đã chọn tùy chọn này, theo Anders Ankarlid, người đồng sáng lập Agood.com.
Theo WSJ
By: Nguồn baomoi.com