Đọc đề xuất của phụ huynh gửi đến Bộ giáo dục mà tôi quá ngán ngẩm: Cứ làm náo loạn mãi, các anh chị không mệt mỏi sao?
Đọc đề xuất của phụ huynh gửi đến Bộ giáo dục mà tôi quá ngán ngẩm: Cứ làm "náo loạn" mãi, các anh chị không mệt mỏi sao?
Đọc đề xuất của phụ huynh gửi đến Bộ giáo dục mà tôi quá ngán ngẩm: Cứ làm "náo loạn" mãi, các anh chị không mệt mỏi sao?
02/07/2025 18:40 PM | Giáo dục
Là một phụ huynh, tôi không hề xa lạ với những tranh cãi kiểu này.
Dù đang trong kỳ nghỉ hè, khi lẽ ra học sinh được tạm rời xa sách vở, thì câu chuyện sách giáo khoa lại bất ngờ trở thành chủ đề "nóng" trên nhiều diễn đàn phụ huynh.
Trên một diễn đàn đông thành viên, một bài viết đang lan truyền nhanh chóng. Người viết đề xuất: "Đề nghị Bộ Giáo dục cho cả nước dùng chung một bộ sách giáo khoa cho từng cấp học, như vậy sẽ tránh lãng phí, dễ tổ chức thi cử và học sinh có thể tận dụng lại sách cũ".
Câu chuyện tưởng chừng đơn giản lại lập tức tạo ra hai luồng ý kiến trái chiều. Một bên hưởng ứng, cho rằng quá nhiều bộ sách hiện nay khiến phụ huynh rối loạn, tốn kém. Bên kia phản đối, nhấn mạnh rằng nhiều bộ sách chính là biểu hiện của sự đổi mới, tự chủ và sáng tạo trong giáo dục.
Là một phụ huynh, tôi không hề xa lạ với những tranh cãi kiểu này. Chỉ mới vài năm trước, rất nhiều người, trong đó có cả tôi, từng lên tiếng mạnh mẽ đòi phá bỏ thế độc quyền sách giáo khoa. Lý do đưa ra khi ấy cũng rất hợp lý: Một bộ sách duy nhất cho cả nước thì quá cứng nhắc, không tạo ra sự cạnh tranh, khó đổi mới nội dung, không phù hợp với đặc thù từng vùng miền.
Thế rồi khi Luật Giáo dục sửa đổi cho phép mỗi môn học có thể có nhiều bộ sách giáo khoa, nhiều người đã hồ hởi đón nhận. Chúng ta từng hy vọng đây sẽ là một bước tiến để hướng tới nền giáo dục sáng tạo, linh hoạt và hiện đại hơn.
Ấy vậy mà giờ đây, khi những bộ sách "đa dạng" bắt đầu phát huy tác dụng cũng là lúc không ít phụ huynh cảm thấy hoang mang. Nhiều người nói rằng quá nhiều sách khiến việc học trở nên rối rắm, con học sách này nhưng phụ huynh lại tìm thấy tài liệu ôn tập theo sách khác. Giá thành cũng cao, sách thay đổi liên tục, khiến việc tái sử dụng sách cũ gần như không thể.
Thú thật, tôi thấy... mệt.
Mệt không phải vì tôi không quan tâm, mà vì tôi cảm thấy chúng ta đang cải cách theo cảm xúc nhiều hơn là dựa trên lý trí.
Cách đây vài năm, khi Bộ Giáo dục cho phép "mỗi môn học có thể có nhiều bộ sách giáo khoa", nhiều người vỗ tay hoan hô. Có cả những phụ huynh, giáo viên, chuyên gia lên tiếng ủng hộ vì cho rằng "chúng ta cần phá độc quyền sách giáo khoa, tạo ra sự cạnh tranh và đa dạng".
Ấy vậy mà giờ, cũng chính những luồng ý kiến đó lại lên tiếng đòi: "Phải quay về một bộ sách thôi, cho dễ dạy, dễ học, dễ kiểm tra". Một người bạn tôi, cũng là phụ huynh, thở dài rồi buông một câu mà tôi thấy đúng đến... đau lòng: "Trước cứ đòi phá độc quyền, giờ lại đòi chung một bộ. Xong năm sau lại có người không thích, lại đòi nhiều bộ. Để yên cho tớ nhờ! Không phải cứ hứng lên là đòi nọ đòi kia. Kiểu chán cơm đòi ăn phở, đến lúc mua phở rồi lại không ăn!".
Nghe hài hước đấy, mà ngẫm thì... đúng thật.
Vấn đề không phải là "một hay nhiều bộ sách" mà là chúng ta đang thiếu một lộ trình rõ ràng, thiếu sự kiên định, và đặc biệt là thiếu cơ chế minh bạch để lựa chọn và áp dụng sách giáo khoa.
1. Ưu, nhược điểm của một bộ sách giáo khoa
Nếu cả nước cùng học một bộ sách duy nhất, quả thực có nhiều cái lợi dễ thấy:
Dễ thống nhất nội dung dạy - học: Giáo viên, học sinh, phụ huynh và cả người ra đề thi đều có chung một nền tảng, tránh tình trạng "mỗi nơi một kiểu". Điều này cũng sẽ giúp thuận tiện cho việc tổ chức kỳ thi chung, đánh giá năng lực học sinh trên toàn quốc. Đồng thời, tiết kiệm chi phí cho phụ huynh khi học sinh lớp trước có thể quyên góp lại sách cho khóa sau. Nhất là với những gia đình khó khăn, đây là điều rất đáng quý.
Tuy nhiên, cái gì "duy nhất" cũng mang theo nguy cơ. Trước hết đó là sự cứng nhắc và khó đổi mới: Không phải địa phương nào cũng có đặc thù giống nhau, nếu chỉ một bộ sách cho tất cả, thì vùng sâu, vùng xa có thể bị đuối, hoặc thành thị lại cảm thấy nhàm chán.
Nguy cơ độc quyền quay lại, khi chỉ còn một bộ sách, ai là người biên soạn? Ai kiểm tra chất lượng? Nếu không minh bạch, bộ sách ấy sẽ là công cụ của một nhóm lợi ích nào đó. Khi không có sự cạnh tranh, người làm sách cũng dễ "ngủ quên" trong cơ chế xin - cho, không tạo ra động lực nâng cao chất lượng sách.
2. Ưu, nhược điểm của nhiều bộ sách giáo khoa
Mô hình hiện tại, mỗi môn học có thể có nhiều bộ sách là một bước tiến đúng với tinh thần đổi mới. Nó tạo điều kiện cho giáo viên và nhà trường được chọn bộ sách phù hợp với học sinh của mình. Nó khuyến khích sáng tạo, cạnh tranh chất lượng giữa các nhà xuất bản, nhóm tác giả.
Thế nhưng, đa dạng không có nghĩa là... rối:
Giáo viên lúng túng khi lựa chọn, nếu không được tập huấn kỹ. Phụ huynh khó tìm tài liệu hỗ trợ con học, vì sách mỗi trường mỗi khác. Nhiều người nghi ngại về tính minh bạch trong việc chọn sách: Liệu việc lựa chọn có khách quan không, hay có lợi ích nhóm?
Cá nhân tôi không cực đoan. Tôi không "cuồng" một bộ, cũng không "thần thánh hóa" nhiều bộ. Điều tôi cần là một hệ thống giáo dục minh bạch, có trách nhiệm và kiên định.
Nếu dùng một bộ sách, thì phải là bộ sách có chất lượng, cập nhật, có cơ chế phản biện rõ ràng, không độc quyền. Nếu dùng nhiều bộ sách, thì phải có tiêu chuẩn chọn sách cụ thể, có hướng dẫn tập huấn cho giáo viên và giám sát nghiêm ngặt.
Và quan trọng hơn hết đừng thay đổi theo phong trào. Hôm nay thấy rối thì đòi thống nhất, mai thấy sách "chung" nhàm chán lại kêu quay lại như cũ. Trẻ con không phải là chuột thí nghiệm để chúng ta cứ thử, sai rồi thử lại.
Giáo dục cần sự ổn định, lâu dài. Và bất kỳ cải cách nào, cũng nên xuất phát từ thực tế lớp học chứ không phải từ những cơn bốc đồng trên mạng xã hội.
Hãy để con em chúng ta được học trong một môi trường ổn định, được lắng nghe và được tôn trọng. Còn chúng ta, những người lớn, hãy học cách nhất quán và có trách nhiệm hơn với chính lựa chọn của mình.
Theo Hiểu Đan
By: Nguồn cafebiz.vn