Minh Đăng, từ công nhân “lên đời” thành nghệ sĩ

Oct,17,2022 09:10:39

Phim Rồi 30 năm sau (phát trên truyền hình Vĩnh Long 1 lúc 20g mỗi ngày trừ Chủ nhật) đang đi đến những tình tiết gay cấn, khi Duy Long - con trai Ba Thành, dần biết được tấn bi kịch của gia đình mình, nhất là cái chết của cha. Trong dàn diễn viên, Minh Đăng là người gây ấn tượng mạnh nhất, vì Ba Thành là nhân vật sở hữu tâm lý phức tạp và có vai trò mấu chốt giúp đẩy cao trào phim.

 

Minh Đăng, từ công nhân “lên đời” thành nghệ sĩ

Vai Ba Thành của Minh Đăng trong phim Rồi 30 năm sau được nhiều khán giả khen ngợi

Ba Thành ban đầu được yêu mến nhờ bản tính thiện lương, đàn ông. Vì muốn cứu gia đình Hải - người con gái anh thương - đang vướng vào nợ nần, bị giang hồ siết nợ, mà Ba Thành bán hết đất đai cha mẹ để lại. Nhưng về sau, nhân vật này trở nên đáng ghét vì sự ngờ nghệch, xốc nổi, mù quáng. Bản thân ít học, nên Ba Thành dễ bị người khác xúi giục, lừa dối. Kết cục là anh rơi vào bẫy của Hai Thức - người muốn chiếm đoạt Hải. Từ một người hiền lành, yêu thương vợ con, Ba Thành biến thành kẻ vũ phu, nhu nhược, mất lý trí.

Số phận bi đát, tính cách đổi chiều của Ba Thành được Minh Đăng lột tả thuyết phục từ tạo hình đến lối diễn, đài từ tốt. Minh Đăng thể hiện được nét chất phác, tử tế của một anh nông dân ít học khi còn là người tốt; và sự hung hăng, dữ tợn của một kẻ ghen tuông mù quáng. Gương mặt, ánh mắt của anh trong những phân đoạn tình cảm với vợ con chan chứa yêu thương; nhưng cũng gương mặt, ánh mắt ấy khi có rượu vào khiến tinh thần bị kích động trông rất đáng sợ.

Đây là lần đầu tiên Minh Đăng thể hiện một nhân vật khiến người xem vừa thương vừa ghét như vậy. Trước đây, vai của anh hoặc là chính diện, hiền lành như trong tuyển tập phim cổ tích Cậu bé nước Nam, Chàng rể tuổi Hợi; hoặc là phản diện, gây phẫn nộ như trong phim Lời nguyền lúc 0 giờ, Giọt máu vô hình, Người tình của bố già.

Chia sẻ về vai diễn Ba Thành, Minh Đăng thổ lộ: “Trong cải lương, nhân vật này chỉ được nhắc đến qua lời kể. Lúc nhận kịch bản, tôi cảm thấy nhân vật này rất gần gũi với mình, vì tôi cũng xuất thân từ nông dân, mấy cảnh đánh đập vợ con tôi thấy nhiều và cũng từng là nạn nhân. Khó nhất với tôi là những phân đoạn Ba Thành nát rượu, vì vừa phải thoại đúng, vừa thể hiện được trạng thái say dù không được uống rượu. Đáng nhớ nhất là những cảnh quay Ba Thành hóa trang thành ma, vì quay toàn lúc nửa đêm, đi ăn cũng phải trong gương mặt hóa trang âm u này, nên nhiều người trong đoàn lắm lúc giật mìnhbỏ chạy”.

Đi chậm mà chắc

Dù đã xuất hiện trong nhiều phim truyền hình, nhưng Ba Thành mới là vai diễn đầu tiên “tạo bão” dư luận của chàng trai quê ở Cầu Ngang, Trà Vinh này. Đọc những lời bình luận ngợi khen của người xem về vai diễn này, Minh Đăng càng thấy quyết định năm xưa từ bỏ nghề may để học diễn xuất là đúng đắn. 12 năm trước, Minh Đăng vẫn còn là công nhân làm việc ở một công ty may mặc tại Hóc Môn.

Tuổi thơ cơ cực, nhà đông anh em không cho phép anh theo đuổi giấc mơ làm thầy giáo, nhà thiết kế thời trang mà phải bỏ học lên TP.HCM làm thợ, giúp đỡ gia đình. Nhờ chủ thương, Minh Đăng được tạo điều kiện vừa làm vừa theo học bổ túc văn hóa. Giải Nhì cuộc thi “Nam nữ thanh lịch 18 thôn vườn trầu” đưa anh rẽ lối vào nghệ thuật theo lời động viên của diễn viên Trí Quang - giám khảo cuộc thi.

Nhớ lại quãng thời gian đó, anh tâm sự: “Ban ngày đi làm, tối đi học, tôi bị bạn bè trêu chọc, rủ rê đi chơi nhiều lắm. Nhưng tôi nghĩ nếu không học, ba năm nữa mình vẫn chỉ là công nhân như họ. Tính tôi thụ động, ít nói, nên không bao giờ nghĩ sẽ làm diễn viên. Lúc học ở sân khấu kịch Hồng Vân, tôi là người diễn yếu nhất. Thầy tôi - NSƯT Hữu Châu nói người ta học một, con phải học mười mới theo được nghề này”.

Minh Đăng, từ công nhân “lên đời” thành nghệ sĩ

Minh Đăng ngoài đời có lợi thế về ngoại hình và đài từ

Minh Đăng buồn nhưng không nản, vì anh quan niệm có đam mê sẽ làm được tất cả. “Diễn viên là công việc rất thú vị, phải học hỏi nhiều thứ, mà tính tôi lại thích học”, anh nói. Chăm chỉ ắt thành công, mới học sân khấu kịch được một năm, diễn vài tiểu phẩm, Minh Đăng được đạo diễn Vũ Huân chấm vào vai thứ chính trong phim Đồng tiền muôn mặt. Vai diễn hơn 100 phân đoạn, là một anh công nhân yêu cô chủ nhưng bị cấm đoán, Minh Đăng nhập vai ngọt xớt, dù lúc đầu anh vẫn lóng ngóng không biết đứng trước máy quay thế nào.

Từ đó anh được mời vào nhiều phim khác, đều là vai thứ chính. Sắp tới, khán giả sẽ có dịp gặp lại anh trong phim Phận hồng nhan Anh hùng dế. Vai diễn trong Phận hồng nhan hứa hẹn sẽ gây sốc với khán giả, vì nhân vật là một anh công chức có vẻ ngoài đạo mạo, chỉn chu, ưa sạch sẽ nhưng tính tình biến thái. Minh Đăng mong muốn gắn mình với những vai diễn cá tính, vì: “Dạng vai này có đất để phát huy diễn xuất. Tôi muốn các vai sau phải có sự đột phá hơn vai trước, để khán giả không thất vọng về mình”.

Hiện anh đang bận rộn với vai thứ chính Phong - một gã giang hồ buôn ma túy - trong phim Hoa hồng cho sớm mai. Ngoài đóng phim, ít ai biết Minh Đăng còn nghề tay trái là bấm huyệt. Anh đã theo học lấy bằng và hành nghề suốt chín năm nay. 18 năm rời quê lên thành phố lập nghiệp, tính đến thời điểm này với gia tài hơn 20 bộ phim, Minh Đăng đã tạm hài lòng với cuộc “lên đời” từ công nhân thành nghệ sĩ của mình. Niềm hạnh phúc của anh bây giờ là có cuộc sống ổn định bên vợ - ca sĩ boléro Phạm Quỳnh Như cùng con trai sáu tháng tuổi, và cất được nhà cho cha mẹ ở quê.

Hương Nhu

     

By: Nguồn www.phunuonline.com.vn

    Tags:
  1. Minh Đăng

Minh Đăng, từ công nhân “lên đời” thành nghệ sĩ - Tin Sao