Nghiên cứu cơ chế đặc thù xử lý vi phạm lúc cấp bách chống dịch COVID
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu cơ chế đặc thù để xử lý những vi phạm khi thực hiện biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Phân tích, nhận định đúng bản chất, nguyên nhân chủ quan, khách quan và phân tích các vấn đề tiêu cực, lãng phí trong phòng chống dịch thời gian qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng
Tiếp tục phiên họp thứ 16, chiều 10.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30, về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Nghị quyết 30 cho phép Chính phủ thực hiện biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, có các quyết định liên quan đến cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất...
Tuy nhiên, sau khi áp dụng biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù, quá trình thanh tra, kiểm tra, quyết toán lại không xem xét yếu tố cấp bách, tính nghiêm trọng của tình huống mà chỉ áp dụng văn bản quy phạm pháp pháp luật hiện hành trong điều kiện bình thường để đối chiếu, xem xét xử lý.
"Việc này gây ra tâm lý hoang mang cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong lĩnh vực y tế và thanh quyết toán của cơ quan ở cơ sở, tiềm ẩn tác động bất lợi khi phải quyết định các giải pháp ứng phó với tình huống khẩn cấp sau này", bà Thúy Anh nói.
Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng nghiên cứu cơ chế đặc thù để xử lý những vi phạm khi thực hiện biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời tiếp tục đánh giá, phân tích, nhận định đúng bản chất, nguyên nhân chủ quan, khách quan và phân tích các vấn đề tiêu cực, lãng phí trong phòng chống dịch thời gian qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, báo cáo của Chính phủ và phụ lục kèm theo chưa rõ việc sử dụng kinh phí cho phòng chống dịch bệnh theo từng năm, từng nguồn.
Năm 2023, Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề về việc sử dụng nguồn lực trong phòng chống dịch bệnh, khi đó, sẽ tiếp tục làm rõ hơn các nguồn cho phòng, chống dịch bệnh như nguồn từ ngân sách, quỹ vaccine, nguồn viện trợ.... và các khoản chi, kiểm tra sử dụng nguồn đúng mục đích.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì đến nay vẫn còn một số vấn đề như thiếu thuốc, vật tư y tế, cán bộ, nhân viên ngành y tế nghỉ việc nhiều do nhiều nguyên nhân... cần được quan tâm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, trong quá trình sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Giá, sẽ có làm việc phối hợp với các cơ quan để tính toán đưa vào những quy định đặc thù bảo đảm đấu thầu hiệu quả nhất là trong lĩnh vực y tế.
Làm rõ kết quả thực hiện các Nghị quyết đã ban hành
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao báo cáo của Chính phủ khá toàn diện, công phu, đề nghị Báo cáo tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV cần đánh giá rõ thêm sáng kiến lập pháp của Quốc hội và Chính phủ kịp thời và chưa có tiền lệ, cho thấy tính chủ động, tích cực trong thực hiện giám sát của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phạm vi nêu trong báo cáo rộng, chưa đúng trọng tâm bởi trong Nghị quyết số 30/2021/QH15 chỉ đề cập trực tiếp đến việc áp dụng các khoản 3.1, 3.2, 3.3, 3.4 và 3.8, chứ không phải là báo cáo tổng kết về công tác phòng, chống dịch.
Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội có nêu, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 30, có 6 nghị quyết của Quốc hội về về lĩnh vực này; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 10 nghị quyết. Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ Quốc hội và Thường vụ Quốc hội đã ban hành những chính sách gì và kết quả thực hiện các nghị quyết này như thế nào trong thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, tổng kết Nghị quyết 30/2021/QH15 về các quy định đặc thù, đặc cách chứ không phải tổng kết công tác phòng, chống dịch như thế nào. Vì vậy, cần phải có báo cáo, số liệu tình hình triển khai thực hiện, kết quả để đánh giá về sự cần thiết, tính đúng đắn và tác động to lớn của Nghị quyết 30 về phòng, chống dịch COVID-19; việc hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội như thế nào…
By: Nguồn laodong.vn