Danh xưng nghệ sĩ

Feb,22,2023 10:01:40

Tại hội thảo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, ngày 20/2, ý kiến phát biểu của NSND Tạ Minh Tâm được chú ý.

 

Danh xưng nghệ sĩ

NSND Tạ Minh Tâm.

Theo ông Tâm, việc phong tặng danh hiệu cho nghệ sĩ là điều rất đáng quý. Tuy nhiên, thực tế tiêu chí để phong tặng danh hiệu đang thiên về thành tích hơn các yếu tố khác. Đáng chú ý, nhiều khi đó lại là “thành tích ảo”, ví như thành tích từ các chương trình hội diễn ca múa nhạc toàn quốc, không nói lên trình độ, đóng góp và hiệu quả nghệ thuật của một số nghệ sĩ. Ông Tâm cho rằng, điều đó dẫn tới sự mất đoàn kết trong nội bộ nghệ sĩ; cần nghiên cứu đổi mới việc phong tặng danh hiệu để tránh sự phân hóa.

Đây không phải lần đầu tiên chính người trong giới nói về việc phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND mà đã được nói rất nhiều lần. Tuy nhiên, việc xét phong vẫn không chuyển biến, sau mỗi lần phong tặng lại ồn ào “điều ong tiếng ve”. Còn nhớ hồi giữa năm 2022, Hội Nhà văn Việt Nam đã từ chối đề xuất danh hiệu Nhân dân, Ưu tú cho các nhà văn. Trong Công văn số 46 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đồng tình với đề xuất mở rộng đối tượng được trao danh hiệu. Tuy nhiên, nhà văn không phải là nghệ sĩ nên Hội Nhà văn đề xuất không xét tặng danh hiệu Nhân dân hay Ưu tú. Công văn nêu rõ: Nhà văn có sứ mệnh, trách nhiệm cao cả, tác phẩm của họ phản ánh hiện thực cuộc sống, viết lên tiếng lòng của nhân dân, có thiên chức đặc biệt cảnh báo và dự báo xã hội.

“Để đánh giá một nhà văn phải thông qua giá trị tác phẩm, tác phẩm có giá trị phải có tính lan tỏa rộng lớn và tác động mạnh mẽ tới nhân dân, tới xã hội. Khó có định lượng cụ thể nào cho một tác phẩm của nhà văn để mang ra xét nhà văn Ưu tú hay nhà văn Nhân dân. Nhà văn không phải nghệ sĩ” - công văn nêu rõ.

Việc bày tỏ chính kiến của Hội Nhà văn Việt Nam về danh hiệu khiến không ít người phải giật mình nhìn lại khi mà bệnh háo danh trong xã hội là khá phổ biến.

Năm 1984, lần đầu tiên danh hiệu NSND, NSUT được trao tặng cho 40 người. Lúc bấy giờ cả nước hân hoan, mừng cho các nghệ sĩ tài ba, tiếng tăm lừng lẫy, có nhiều cống hiến cho nghệ thuật cũng như cống hiến cho đất nước. Các đợt phong tặng sau đó con số ngày một nhiều lên nhưng đáng tiếc những ý kiến không đồng tình cũng nhiều lên, chủ yếu là ở chỗ người đó xứng đáng hay không.

Trong lĩnh vực nghệ thuật, cảm tính khá nặng nên các quy định (hay điều kiện) cũng khó lòng bao quát đầy đủ. Nhưng nhiều ý kiến quá thì nhất thiết phải xem lại, phải sửa đổi để chính xác hơn. Đặc biệt, để người được phong tặng có thể hãnh diện và không dẫn tới “mất đoàn kết nội bộ” - như cách nói của NSND Tạ Minh Tâm.

Làm sao để vinh danh đúng nghệ sĩ tài năng, xuất sắc quả là khó. Nhưng không thể vì thế mà “vinh danh nhầm” cho những người chuyên đi “gặt” huy chương qua các hội diễn nhưng bản thân họ không phải là nghệ sĩ có tài, không có tác động thúc đẩy nghệ thuật cũng như nhận được sự yêu mến của công chúng. Danh hiệu NSND, NSƯT phải tôn vinh đúng người, không phong tặng ồ ạt; không bỏ sót tài năng nhưng cũng không “nhầm” khiến cho danh hiệu cao quý đó nhạt dần.

By: Nguồn baomoi.com

Danh xưng nghệ sĩ - Điện Ảnh