Thổi chung máy đo nồng độ cồn có lây bệnh?

Dec,09,2023 09:00:11

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát Giao thông đang thực hiện tổng kiểm soát vi phạm nồng độ cồn ban ngày lẫn ban đêm nhằm kéo giảm tai nạn giao thông từ nay đến Tết. Theo đó, các đội/trạm CSGT sẽ phối hợp với nhau thành các cụm đi tuần tra liên tục, đo nồng độ cồn người tham gia giao thông.

Bằng cách kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế với máy đo nồng độ cồn định tính, mỗi ca tuần tra, CSGT có thể mời được từ vài trăm đến hơn 1.000 trường hợp.

Chủ trương này đã mang lại nhiều hiệu quả, khi giúp kéo giảm các vụ tai nạn giao thông, từ đó góp phần lớn trong việc đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, không ít người dân lo ngại rằng việc dùng một máy đo nồng độ cồn liên tục cho nhiều người dân thổi vào để kiểm tra gây mất vệ sinh, có thể làm lây lan các bệnh qua đường hô hấp.

Thổi chung máy đo nồng độ cồn có lây bệnh?

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông (Ảnh minh họa)

Trả lời về vấn đề này, ThS Bùi Vũ Bình - Trưởng khoa Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, người dân không cần quá lo ngại về vấn đề lây nhiễm bệnh đường hô hấp khi thực hiện thổi nồng độ cồn.

Ông Bình nêu rõ hiện nay, máy đo nồng độ cồn của lực lượng công an giao thông có hai loại. Thứ nhất là loại máy đo nồng độ cồn có đĩa thổi. Với loại này, việc thổi hơi thở không tiếp xúc bằng miệng trực tiếp với máy. Khi người dân thổi chỉ có một luồng khí duy nhất đi ra, không có luồng khí đi ngược lại.

Vì vậy, nguy cơ người dân hít phải mầm bệnh, lây nhiễm bệnh là gần như không có.

Thứ hai là máy đo nồng độ cồn bằng ống thổi trực tiếp. Với loại này thì lực lượng cảnh sát giao thông sẽ thay ống mới sau khi đã sử dụng. Vì vậy rất khó để xảy ra lây nhiễm bệnh khi người dân thổi nồng độ cồn.

"Người dân không nên quá lo ngại những vấn đề này, nên tuân thủ theo quy định, hiệu lệnh của lực lượng chức năng", ông Bình chia sẻ.

Đồng quan điểm với ông Bình, một chuyên gia truyền nhiễm Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho hay hiện nay chưa có nghiên cứu nào cho thấy việc đo nồng độ cồn gây gia tăng bệnh đường hô hấp.

Vị này cho hay tại các quốc gia trên thế giới vẫn thực hiện đo nồng độ cồn người tham gia giao thông. Vì vậy, người dân không cần quá lo ngại.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng lực lượng cảnh sát giao thông cũng cần chú ý đảm bảo ống thổi (loại dùng một lần) cần được thay sau khi sử dụng. Đối với loại máy thổi bằng ống đĩa (không tiếp xúc miệng) thì cần khử khuẩn, vệ sinh thường xuyên để đảm bảo an toàn, vệ sinh cho người dân.

Thúy Ngà

By: Nguồn giadinhonline.vn

Thổi chung máy đo nồng độ cồn có lây bệnh? - Sức Khỏe