Sốt xuất huyết uống nước dừa được không?
Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát trên cả nước, đặc biệt tại Hà Nội. Chỉ trong một tuần, Thủ đô đã ghi nhận 2.578 ca bệnh và 78 ổ dịch sốt xuất huyết mới.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 70 - 80 ca sốt xuất huyết, trên 30 ca có dấu hiệu cảnh báo, đe dọa diễn tiến nặng. Toàn viện có khoảng 80 bệnh nhân sốt xuất huyết đang trong tình trạng rất nặng.
Dịch sốt xuất huyết vấn đang diễn biến phức tạp, nhiều ca nặng (Ảnh minh họa)
CDC Hà Nội dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội sẽ rơi vào tháng 10, 11. Với diễn biến thời tiết như hiện nay, nhiệt độ hàng ngày dao động trong khoảng 26 - 32⁰C, là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi.
Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch, nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao, nhiều điểm vượt ngưỡng dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh… Do đó, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới.
Bác sĩ Cấp khuyến cáo, ở giai đoạn đầu sốt xuất huyết ở tại gia đình, mọi người phải theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu có nguy cơ trở nặng. Đặc biệt, một sai lầm rất nguy hiểm là sau giai đoạn đầu của bệnh thấy cắt cơn sốt người dân thường chủ quan nghĩ rằng bệnh đã khỏi. Trong khi đó, thời điểm này mới là giai đoạn bệnh có nguy cơ chuyển biến nặng cao nhất
"Khi xuất hiện dấu hiệu có nguy cơ trở nặng phải đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời vì khoảng thời gian điều trị để bệnh nhân hồi phục không có nhiều, chỉ vài tiếng.
Xử lý kịp thời, sau 2-3 ngày bệnh nhân sẽ được ra viện. Nếu giai đoạn này bị bỏ lỡ 4 - 6 tiếng, bệnh nhân có thể rơi vào tụt huyết áp, sốc, chảy máu không kiểm soát, suy đa tạng…", bác sĩ Cấp nói.
Trong pha 1, giai đoạn 3 ngày đầu bị sốt xuất huyết, hãy hạ sốt, chăm sóc dinh dưỡng tốt nhất cho người bệnh bằng cách uống nhiều nước oresol, nước trái cây, nước dừa, đồ ăn loãng như súp, cháo...
Còn ở pha 2, giai đoạn từ cuối ngày thứ 3 - 7, sốt thường đã thoái lui nhưng bổ sung nước vẫn rất quan trọng. Nhiều người thích uống nước dừa, nhưng khi uống nước dừa, lý tưởng cho thêm chút muối.
"Vì nếu nồng độ muối trong máu thấp, không may vào giai đoạn thoát dịch, người có nồng độ natri trong máu thấp, tốc độ thoát dịch cao hơn người khác. Vì thế, khi uống nước dừa, nên cho thêm ít muối để giảm nguy cơ biến chứng thoát dịch ở bệnh nhân sốt xuất huyết", bác sĩ Cấp thông tin.
Nước dừa có tác dụng tốt cho người mắc sốt xuất huyết (Ảnh minh họa)
Đồng quan điểm, ThS. BS Vũ Mạnh Cường - Phụ trách điều hành khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E cho biết, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết, do đó bên cạnh việc điều trị triệu chứng, người bệnh cần được chăm sóc dinh dưỡng thật tốt để nâng cao thể trạng và sức đề kháng cho cơ thể.
Trong đó, nước dừa là loại nước uống bổ dưỡng, cung cấp vitamin, khoáng chất và các chất điện giải cho cơ thể.
Tuy nhiên, nước dừa bổ mát có tính âm cao không nên lạm dụng, mỗi ngày chỉ nên dùng 1 - 2 quả. Đặc biệt là người hàn lạnh âm thịnh dương suy, miệng không khát nên kiêng nước dừa, nếu uống cho thêm vài lát gừng, một chút ít muối để tăng dương tính, khử bớt tính hàn.
Thúy Ngà
By: Nguồn giadinhonline.vn